- Thị trường giảm điểm nhẹ do dự báo FED sẽ tăng lãi suất nhưng sau đó phục hồi
- Cổ phiếu ngân hàng phục hồi sau khi giảm hồi tháng 11
- Các mã hàng tiêu dùng dẫn đầu khi tăng mạnh
- BĐS tiếp tục tỏ ra tích cực nhưng vẫn không hỗ trợ được công ty thép
- Nhận định thị trường
Thị trường giảm điểm nhẹ do dự báo FED sẽ tăng lãi suất nhưng sau đó phục hồi: Chỉ số VNI giao dịch trong biên độ rất hẹp trong tháng mười hai. Mức chốt phiên thấp nhất (562 điểm) và mức chốt phiên cao nhất (580 điểm) chỉ chênh lệch 3%. Thị trường bắt đầu có xu hướng giảm điểm vào đầu tháng 11, khi Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, cho biết khả năng tăng lãi suất trong tháng 12. Xu hướng này kéo dài sang tháng 12 dù tốc độ giảm có chậm lại, giảm 2% tính từ đầu tháng đến trước khi Fed công bố chính thức ngày 16/12. Từ mức này, thị trường liên tục phục hồi 3% và kết thúc tháng 12, tăng nhẹ 1%. Tuy thị trường đi ngang nhưng một số ngành diễn biến rất khả quan. Thực tế, việc đi ngang của thị trường vẫn là một điểm tích cực, trong bối cảnh khối ngoại bán mạnh, gần như bán ròng mỗi phiên giao dịch.
Cổ phiếu ngân hàng phục hồi sau khi giảm hồi tháng 11: Tất cả các mã ngân hàng chúng tôi theo dõi đều tăng giá khi mà tăng trưởng tín dụng năm 2015 vượt mục tiêu của NHNN và bảng cân đối kế toán cải thiện. Sau khi hai quỹ ETF bán mạnh hai mã VCB và STB (3 triệu cổ phiếu mỗi mã) vào giữa tháng 12, khối ngoại mua ròng VCB tất cả các phiên trong tháng, tổng cộng 2,4 triệu cổ phiếu ngày 18/12, và mua ròng gần 1 triệu cổ phiếu STB vào các phiên tiếp theo. Không chỉ VCB, khối ngoại sau đó còn liên tục mua CTG và BID dù ở mức độ thấp hơn, và giúp nhóm ngân hàng kết thúc tháng tăng tốt.
Các mã hàng tiêu dùng dẫn đầu khi tăng mạnh: Việc Singha đầu tư vào MSN có thể là tin doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong tháng và được thị trường đón nhận rất tích cực với giá cổ phiếu này tăng trần nhiều phiên liên tiếp (vui lòng xem tin tức về MSN trong phần Tin doanh nghiệp). Niềm tin người tiêu dùng ở mức cao và triển vọng bán lẻ tích cực sang năm 2016 hỗ trợ một số cổ phiếu hàng tiêu dùng, trong đó PNJ tăng 10,3%. VNM tăng chậm lại phần nào do thay đổi quy định về thuế nhưng vẫn ổn định, tăng 3,2% trong tháng mười hai, sau khi diễn biến đầy tích cực gần như cả Quý 4.
BĐS tiếp tục tỏ ra tích cực…: Tuy các mã BĐS diễn biến trái chiều, HDG dẫn đầu khi tăng mạnh 14,5%, đạt giá mục tiêu của chúng tôi, cho thấy các nhà đầu tư tin tưởng vào tiến độ dự án Z756. VIC, với giá trị vốn hóa lớn nhất nhóm BĐS, tiếp tục hưởng lợi nhờ tiến độ bán hàng mạnh tại dự án Central Park khi tăng 6,8%.
… nhưng vẫn không hỗ trợ được công ty thép: Dù hiện nay có nhiều dự án BĐS đang được thi công, các công ty thép vẫn chịu ảnh hưởng do cạnh tranh từ thép Trung Quốc. HPG, HSG, và POM đều giảm mạnh, dù HPG tăng 2,7% vào ngày công bố mã này được đưa vào danh mục ETF VNM.
Nhận định thị trường: Tháng 1 thường là giai đoạn chỉ số VNI diễn biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình tại Trung Quốc khiến chúng tôi có thái độ thận trọng. Vẫn cần phải xem xét liệu phiên lao dốc đầu năm ở thị trường Trung Quốc là do ảnh hưởng của quy định giao dịch mới hay là vì hoạt động sản xuất tiếp tục cho thấy những kết quả kém tích cực. Nếu sản xuất chững lại khiến đồng nhân dân tệ bị mất giá, thì điều này sẽ gây áp lực đối với tiền đồng Việt Nam và thử thách cơ chế quản lý ngoại hối mới của Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với TTCK trong ngắn hạn, nhưng như những gì chúng ta đã thấy trong tháng 8/2015, các chỉ số cơ bản vẫn là yếu tố quyết định trong dài hạn.