Thị trường Việt Nam có diễn biến tích cực trong tháng 4. Chỉ số VNI tăng trong tất cả các tuần của tháng 4, tăng tổng cộng 6,6% tính chung cả tháng và 7,2% kể từ mức đáy ngày 04/04. Như vậy, chỉ số VNI đã tăng ba tháng liên tiếp và lấy lại số điểm đã mất trong tháng 1/2016. Kể từ khi chạm đáy 522 điểm ngày 21/01, chỉ số này đã tăng 14,5% và kết thúc tháng 4 ở mức 598,4 điểm, áp sát ngưỡng kháng cự 600 điểm.
Các mã blue-chip dẫn dắt thị trường. Bốn mã lớn nhất trên sàn HSX là VNM (+3,7%), VCB (+12,5%), VIC (+11,2%) và GAS (+22,9%) đều có diễn biến tích cực trong tháng 4, đóng góp tổng cộng 24,5 điểm tăng cho chỉ số VNI, tương đương 65% trong số 37 điểm tăng của chỉ số này. VNM và VIC đều đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay nhưng GAS mới là mã nổi bật nhất. Diễn biến giá dầu thuận lợi, cùng với việc công ty bất ngờ cho biết sẽ áp dụng giá sàn mới cho khí trên bao tiêu hoặc bán cho các nhà máy điện vào KQKD quý 1, khiến chỉ riêng mã này đã đóng góp đến 9,6 điểm tăng cho chỉ số VNI.
580 điểm là ngưỡng kháng cự kỹ thuật đầy thách thức. Chỉ số VNI chốt phiên ngày 12/04 tại mức 579,8 điểm. Trong bảy phiên tiếp theo, chỉ số không vượt được ngưỡng kháng cự 580 điểm dù các số liệu kinh tế công bố tích cực, số liệu thuận lợi từ Trung Quốc, và giá dầu tăng (dù sau đó giảm trở lại do thỏa thuận tại Doha không đạt được kết quả). Ngày 22/04, kết quả tích cực của VCB giúp cải thiện tâm lý của nhóm ngân hàng. Cũng trong phiên này, VIC tăng 5,8%, đạt mức giá cao kỷ lục nhờ đề ra kế hoạch lợi nhuận cao, trong đó mảng đầu tư BĐS sẽ bù đắp cho lỗ từ các lĩnh vực hoạt động khác. GAS tiếp tục tăng 4% trong phiên này sau khi công bố áp dụng mức giá sàn trong phiên trước đó, vài VNM tăng 2,2% nhờ KQKD quý 1 đầy khả quan. Nhờ vậy, thị trường đã vượt được mốc 580 điểm và áp sát mốc 600 điểm.
Tình hình kinh tế vĩ mô diễn biến khả quan hơn nhiều so với tháng trước. Sau các tin tức tăng trưởng GDP và nợ công kém tích cực trong tháng 3, các tin tức của tháng 4 khá bất ngờ. Trong đó, thặng dư thương mại của Việt Nam tăng từ 0,38 tỷ USD vào cuối tháng 3 lên 1,5 tỷ USD tính đến giữa tháng 4. Chỉ số PMI cũng tăng từ 50,7 điểm trong tháng 3 lên 52,3 điểm trong tháng 4.
Khối ngoại thực tế có giao dịch tích cực hơn so với số liệu báo cáo. Theo các số liệu, trong tháng 4 khối ngoại đã bán ròng 53 triệu USD, nhưng đã bao gồm 117 triệu cổ phiếu VIC liên quan đến giao dịch thỏa thuận lớn bán cho nhà đầu tư trong nước. Nếu không tính lượng cổ phiếu VIC này, thì khối ngoại mua ròng 64 triệu USD. Trên cơ sở số liệu này, giá trị mua ròng của khối ngoại từ tháng 12/2015 đến nay liên tục tăng theo từng tháng và lũy kế từ đầu năm đã tăng 30 triệu USD. Chúng tôi cho rằng phần lớn giá trị bán ròng vào đầu năm 2016 là do tâm lý tiêu cực đối với các thị trường mới nổi do bất ổn tại thị trường Trung Quốc, không xuất phát từ tình hình thị trường tại Việt Nam. Lưu ý rằng trong tháng 4, Trung Quốc đã báo cáo số liệu xuất khẩu và PMI tích cực, và đồng nhân dân tệ dần phục hồi. Điều này không có nhiều ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
Ngành thép có diễn biến tích cực. Các doanh nghiệp đầu ngành thép như HPG và HSG đều diễn biến tích cực trong tháng 4. Giá cổ phiếu hai công ty này tăng lần lượt 19,5% và 36,7%. Nguyên nhân giúp giá cổ phiếu HPG và HSG có diễn biến này là do sự hỗ trợ của thị trường BĐS mạnh và các dự án cơ sở hạ tầng. Chính phủ cũng hỗ trợ ngành thép với các biện pháp chống bán phá giá, chủ yếu nhắm vào thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Cuối cùng, giá thép tại Trung Quốc phục hồi dự kiến sẽ hỗ trợ giá thép trong nước.
Ðể biết thêm thông tin chi tiết vui lòng Download bản PDF tại đây