Social Icons

.

[VCSC] Cập nhật CTG: Dự kiến vẫn tăng trưởng nhưng gần chạm các ngưỡng quy định


Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam [KHẢ QUAN +20%]
Cập nhật 


Dự kiến vẫn tăng trưởng nhưng gần chạm các ngưỡng quy định
Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho CTG (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam) với giá mục tiêu 18.700 đồng.
CTG có hướng đi sau giai đoạn khủng hoảng tốt hơn các ngân hàng cạnh tranh trực tiếp. Ngân hàng này vẫn đang gặp khó khăn trong việc tách khỏi sự liên hệ với một ngân hàng quốc doanh khác có cùng quy mô, nhưng các số liệu báo cáo trong vài năm qua đã cho thấy việc quản lý tốt hơn. So sánh các các tài sản có vấn đề giữa CTG và BID cho thấy giá trị tuyệt đối khoản vay của CTG thấp hơn, chúng tôi đánh giá cao khả năng thu hồi của CTG.
Dư nợ cho vay lớn khiến cho CTG khó đạt được con số phần trăm tăng trưởng cao như các ngân hàng nhỏ hơn. Kế hoạch của CTG khá ấn tượng, với kế hoạch tăng trưởng cho vay bán lẻ khá cao, từ 35-40% trong năm 2016, đặc biệt vì dư nợ cho vay bán lẻ hiện nay trên con số tuyệt đối đạt 112 nghìn tỷ đồng (5,02 tỷ USD). Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ hơn với bảng cân đối kế toán nhỏ hơn đang bắt đầu đẩy mạnh mở rộng thị phần và đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh cho năm 2016.

Nợ xấu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngân hàng nhưng chúng tôi đánh giá cao việc cải thiện chất lượng tài sản. Thương vụ sáp nhập với PGBank (PGB) có khả năng làm gia tăng nợ xấu khi nợ xấu của PGB đã tăng trong 6 tháng đầu năm 2015. Sau sáp nhập, CTG có khả năng sẽ đánh giá lại tài sản của PGB sử dụng tiêu chuẩn chặt chẽ hơn của CTG, nên một số khoản nợ có thể bị xếp loại vào nhóm rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, quy mô của PGB là khá nhỏ so với CTG, với tổng tài sản chỉ tương đương 3,6% tổng tài sản của CTG. Theo quan điểm của chúng tôi, ngân hàng sẽ tiếp tục sử dụng dự phòng để xử lý nợ và tiếp tục bán nợ cho VAMC để giảm nợ xấu. Mặc dù khoản dự phòng trên bảng cân đối kế toán không cao, nhưng chúng tôi vẫn không quá lo ngại ở hiện tại. Một diễn biến tích cực là khoản lãi dự thu đã giảm từ 2,7% nợ nhóm 1 và Trái phiếu phi Chính phủ trong năm 2014 còn 2,1% năm 2015. Ngoài ta, CTG cũng rất tích cực thu hồi nợ, với 118% tăng trưởng thu nhập từ thu hồi nợ - mức cao thứ hai trong số các ngân hàng được chúng tôi theo dõi, chỉ thấp hơn mức 185% của ACB.
NIM giảm từ mức cao năm 2011 do cạnh tranh gay gắt của thị trường dẫn đến sự đồng nhất của NIM. NIM giảm do áp lực thị trường: đã có thêm sự cạnh tranh để thu hút huy động nhưng các ngân hàng phải duy trì lãi suất cho vay ổn định. Trong năm 2016, chúng tôi dự báo mức NIM thấp hơn do lãi suất huy động đang tăng dần trong thời gian qua và kể cả khi lãi vay tăng cho năm nay, chi phí vốn dự kiến sẽ tăng nhanh hơn lợi suất. Đối mặt với những áp lực này, CTG đang hướng đến các mảng có mức lợi suất cao hơn, đặc biệt là cho vay bán lẻ. Sẽ cần ít nhất 2 năm để NIM cải thiện khi khoản cho vay có lợi suất cao sẽ bắt đầu có tác động tới NIM sau giai đoạn đầu áp dụng lãi suất khuyến mãi.
Gia tăng nguồn lực huy động là cần thiết cho tăng trưởng ổn định. Mảng cho vay mạnh với tăng trưởng khoản vay trong năm 2015 là 22,3% cao thứ hai trong danh mục các ngân hàng theo dõi, và cho vay bán lẻ có mức tăng 50%. Tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) năm 2015 là 86%, và tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho khoản vay trung/dài hạn là 35%; cả hai số liệu này đều ở gần mức giới hạn lần lượt 90% và 40% được quy định trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014. Nhằm cải thiện tính linh hoạt của CTG để duy trì tăng trưởng cho vay, cần phải gia tăng cả vốn huy động ngắn hạn và dài hạn trong những năm tới.
Tăng mạnh khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là đáng chú ý. Khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2015 đã tăng 42%, khiến tỷ trọng đầu tư TPDN trong tổng tài sản sinh lãi tăng từ 6,1% lên 7,3%. Đây là mức cao nhất trong số các ngân hàng mà chúng tôi theo dõi, với BID xếp thứ hai ở mức 3%. Phần lớn các TPDN ở Việt Nam không được niêm yết, do đó các ngân hàng phải phân loại và trích dự phòng tương tự khoản cho vay khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi thận trong khi các khoản TPDN quá hạn không được tính trong số liệu nợ xấu chính thức, và đầu tư vào TPDN sẽ làm gia tăng thêm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho khoản vay trung/dài hạn.
Lợi nhuận sẽ tăng khiêm tốn trong năm 2016.  NIM dự đoán sẽ thấp hơn và chi phí dự phòng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Chúng tôi dự báo LNTT sẽ tăng 8,2% so với năm 2015, trong khi hai ngân hàng khác chúng tôi đánh giá cao là VCB và ACB dự báo sẽ tăng trưởng LNTT lần lượt 32,3% và 14,6%.
Ðể biết thêm thông tin chi tiết vui lòng Download bản PDF tại đây

 
Liên hệ nhân viên tư vấn