Ðể biết thêm thông tin chi tiết vui lòng Download bản PDF tại đây (sử dụng địa chỉ email KH đã đăng ký khi mở TK tại VCSC làm username và password)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng quốc doanh nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bù đắp cho một số lĩnh vực có diễn biến kém tích cực và đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2016
* Các NĐT không nên nhầm lẫn các biện pháp tăng trưởng của Việt Nam với các biện pháp kích thích tại tại Trung Quốc, vì mục tiêu tăng trưởng toàn hệ thống cả năm của Việt Nam vào khoảng 20%, khá thấp so với ước tính không chính thức 25%-30% tại Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2016, theo số liệu đưa tin của Financial Times ngày 01/05/2016.
* Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng trên của Việt Nam vẫn gây áp lực lên bảng cân đối kế toán của một số ngân hàng quốc doanh hiện đang thiếu vốn, và chúng tôi nhận thấy với tình hình hiện nay, khá khó khăn để có thể đạt được trên mốc tối thiểu Basel I vào cuối năm 2016.
* Một số ngân hàng quốc doanh cũng đã công bố giảm lãi suất cho vay nhằm đạt được tăng trưởng theo kế hoạch của Chính phủ. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ chỉ ảnh hưởng nhẹ đến lãi suất cho vay và các ngân hàng sẽ tìm cách hỗ trợ NIM trong năm 2016.
* Hệ thống ngân hàng đang phần nào được hỗ trợ từ việc các quy định giảm tỷ lệ cho vay BĐS nhiều khả năng sẽ được trì hoãn sang sớm nhất là vào cuối năm 2016, thời điểm không gây ra tác động đáng kể đến năm 2016.
* Tăng trưởng tín dụng cả nước đầu năm 2016 vẫn chưa được công bố, nhưng số liệu tại TP. HCM rất khả quan: Tăng trưởng 4 tháng đầu năm đạt 3,2% so với -0,8% cùng kỳ năm ngoái, trong khi tại Hà Nội cũng khá tích cực với tăng trưởng 4,8% so với 6,6% cùng kỳ năm ngoái.
* Trong khi một số ngành như xây dựng và sản xuất với nguồn vốn FDI có diễn biến rất tích cực, chúng tôi nhìn chung có quan điểm tích cực, chúng tôi thừa nhận mục tiêu tăng trưởng 6,7% là không dễ đạt được đối với Chính phủ. Khả năng lĩnh vực nông nghiệp chịu hạn hán và giá hàng hóa tiếp tục đảo chiều có thể là những trở ngại lớn đối đối với mục tiêu này.
Một loạt thông tin trong tháng 4 cho thấy nhóm có nguồn vốn FDI đạt kết quả rất tích cực
* Một loạt số liệu trong tháng 4, từ giải ngân FDI đến xuất khẩu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, trong khi các nước trong khu vực như Philippines có xuất khẩu giảm 15,1% trong quý 1/2016 so với cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu tại Trung Quốc giảm 7,7% trong 4 tháng đầu năm 2016.
* Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2016 đạt 52,9 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu đạt 51,4 tỷ USD, giảm 1,2%, cán cân thương mại có mức thặng dư 1,46 tỷ USD, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
* Ba mặt hàng xuất khẩu lớn nhất tính theo quy mô (điện thoại di động, dệt may, và điện tử) vẫn tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm với tốc độ lần lượt 23,8%, 6,2%, và 6,8% so với cùng kỳ. Về nhập khẩu, đáng chú ý nhóm máy móc giảm 8,9% trong 4 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái, khá tương phản với số liệu FDI mà chúng tôi cho rằng vẫn tập trung vào ngành sản xuất. Lý do có thể là có sự chênh lệch tạm thời giữa lượng vốn FDI giải ngân và cam kết và hiệu ứng cơ sở cao đầu năm 2015.
* Giải ngân FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016 đạt 4,65 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức 4 tháng đầu năm cao nhất kể từ khi chúng tôi bắt đầu theo dõi số liệu từ tháng 06/2011. FDI cam kết tăng 6,89 tỷ USD trong 4 tháng đầu 2016, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng mạnh nhất tính theo 4 tháng đầu năm kể từ năm 2013.
Thị trường ngoại hối diễn biến tích cực nhưng khá trầm lắng, cung và cầu tỏ ra cân bằng
* Đồng VND được giao dịch trong biên độ khá hẹp trong tháng 4, để chốt tháng với mức 22.300 đồng với lực cung và cầu tỏ ra khá cân bằng.
* Một số nguồn tin từ các nhà giao dịch ngoại hối cho biết NHNN đã mua vào USD ở mức giá 22.300 đồng, trùng hợp trong những ngày có dòng vốn FDI lớn đổ vào thị trường, cho thấy một tháng đạt tích lũy dự trữ ngoại hối tích cực.
* Tính từ đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 0,22% từ mức 21.890 đồng lên 21.842 ở hiện tại.
* Trong bối cảnh bức tranh vĩ mô khá tích cực và các chỉ số cán cân thanh toán thuận lợi, chúng tôi sẽ loại bỏ những ảnh hưởng từ biến động ngoại tệ từ Trung Quốc trong dự báo VND cuối năm nay, và thay đổi dự báo trượt giá đồng VND từ 5,4% còn 2%. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thực hiện điều chính tỷ giá tiền tệ đáng kể trong phần còn lại của năm 2016, dự báo của chúng tôi có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng.
Các phân tích về dòng vốn FDI cam kết trong vòng 12 tháng qua cho thấy nhóm ngành tiện ích có tỷ lệ phần trăm tăng trưởng vốn lớn nhất, trong khi nhóm ngành thực phẩm tỷ lệ tăng trưởng số dự án tính theo phần trăm lớn nhất
* Sản xuất tiếp tục là lĩnh vực thu hút lượng vốn lớn với 168 tỷ USD, tương ứng với 58% tổng vốn FDI cam kết, với tăng trưởng của lượng vốn cam kết và số dự án đạt lần lượt 17% và 14% trong vòng 12 tháng qua.
* Tuy nhiên, nhóm ngành có tăng trưởng cao nhất là ngành tiện ích với 13 tỷ USD vốn đầu tư, tương ứng 4% tổng vốn FDI cam kết, với tăng trưởng của lượng vốn cam kết và số dự án đạt lần lượt 28% và 8% trong vòng 12 tháng qua.
* Nỗ lực của Chính phủ nhằm cho phép các công ty nước ngoài tham gia vào cơ sơ hạ tầng đang chững lại, khi nhóm ngành cơ sở hạ tầng xếp thứ năm tính theo lượng vốn đầu tư cam kết, đây là nhóm ngành duy nhất trong top 5 nhóm ngành có tăng trưởng âm trong 12 tháng qua, khi lượng vốn đầu tư cam kết giảm 6%.
* Ở ngành bất động sản, xếp thứ hai tính theo lượng vốn cam kết tiếp tục có đà tăng trưởng số lượng dự án tích cực với mức tăng 13%, nhưng lượng vốn cam kết chỉ tăng 7%.
Giỏ Giao thông – Vận tải (GTVT) có tháng tăng trưởng đầu tiên (so với tháng trước) trong CPI kể từ tháng 7/2015, trong khi vật liệu xây dựng (VLXD), dù vẫn chưa biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước, sẽ có mức biến động đáng kể trong vài tháng tới.
* CPI tháng 4 đã tăng 1,89% so với cùng kỳ năm ngoái, khi mức gia tăng của giỏ chăm sóc sức khỏe trong tháng 3 đã hạ nhiệt, nhường lại cho các nhóm ngành có tác động thường xuyên đến CPI như giỏ thực phẩm, GTVT và VLXD. Giỏ thực phẩm đã đóng góp nhiều nhất cho CPI tháng 4, khi tăng 1,96% so với cùng kỳ và 0% so với tháng trước.
* Giỏ VLXD không có diễn biến nào đáng chú ý so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 0,71% so với tháng 3/2016. Chúng tôi lưu ý rằng giá thép xây dựng đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, và với việc giỏ VLXD có tỷ trọng lớn thứ hai trong giỏ CPI, giỏ này sẽ làm tâm điểm chú ý trong CPI tháng 5.
* Giỏ GTVT tiếp tục xu hướng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, khi giảm từ -10,32% trong tháng 3/2016 còn -10,97% trong tháng 4/2016. Tuy nhiên, nếu so sánh theo cơ sở từng tháng, giỏ này đã tăng 1,73%, mức tăng theo tháng lần đầu tiên kể từ tháng 7/2015.