Báo cáo tháng 05/2016 - Các mã dầu khí tăng mạnh, tiền đồng ổn định
Ðể biết thêm thông tin chi tiết vui lòng Download bản PDF tại đây (sử dụng địa chỉ email KH đã đăng ký khi mở TK tại VCSC làm username và password)
Thị trường chứng khoán duy trì được xung lực trong tháng năm. Hiện tượng “sell in May and go away” đã không xảy ra khi chỉ số VNI tăng 3,4% so với cuối tháng tư và cả tháng liên tục duy trì trên 600 điểm. Chỉ số đạt đỉnh 624,8 điểm ngày 17/05, mức cao nhất kể từ cuối tháng 07/2015. Trong phiên này, cổ phiếu năng lượng đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số,
vì giá dầu Brent đạt mức cao nhất sáu tháng qua, trên 49USD/thùng, và kỳ vọng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama có thể là tín hiệu tích cực cho ngành này. Ngoài ra, ngày 16/05, việc Vinamilk công bố kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% tuy không có tác động tích cực trực tiếp đối với cổ phiếu công ty nhưng góp phần duy trì kỳ vọng sự kiện được thị trường trông đợi nhất năm 2016.
Đồng nội tệ ổn định giúp thị trường tập trung vào các tin tức tích cực khác. TTCK VN có tâm lý lo ngại đồng nhân dân tệ bị suy yếu, nên việc Trung Quốc phá giá đồng tiền này 1,6% hồi tháng năm đã gây ra nhiều lo ngại, nhưng một lần nữa, tâm lý này tỏ ra không có cơ sở khi ít nhất, trong tháng năm, tiền đồng Việt Nam chỉ trượt giá 0,5%. Các bình luận viên bên thứ ba cũng cho biết dự trữ ngoại hối lũy kế từ đầu năm đến nay của Việt Nam có thể tăng thêm 7 tỷ USD.
Khối ngoại mua mạnh là một trong những lý do chính giúp chỉ số VNI tăng. Trong tháng năm, khối ngoại mua ròng gần 43 triệu USD, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Khối ngoại chủ yếu đầu tư vào P-notes thay vì ETF. Mã được khối này mua mạnh nhất là MBB, sau đó là các mã trụ nhóm dầu khí như GAS và PVD.
Nhóm năng lượng diễn biến mạnh nhất thị trường tháng năm. Nhóm dầu khí diễn biến đầy tích cực trong tháng với các mã tăng mạnh nhất là PVD (+30%) và GAS (+18%). Lý do có thể là giá dầu Brent tăng 3,2% trong tháng, cuối tháng đạt gần 50USD/thùng, và việc Việt Nam tăng cường hợp tác với Nga về các hoạt động dầu khí.
Tâm lý thị trường được các yếu tố vĩ mô và chính trị hỗ trợ. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama là một yếu tố tích cực hỗ trợ với việc nhấn mạnh hợp tác thương mại giữa hai nước và mang lại hy vọng Mỹ sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi chỉ thị các bộ ngành không đưa ra các quy định mới gây khó khăn cho các doanh nghiệp, cũng như các tỉnh thành thường xuyên phải đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp. Trong tháng năm có một số tin kinh tế hỗ trợ như kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu giảm 0,9% và giải ngân FDI từ đầu năm đạt 5,8 tỷ USD (+17,2%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 3,7% trong bốn tháng đầu năm (so với 4% cùng kỳ năm ngoái) cho thấy từ nay đến cuối năm phải đẩy mạnh tốc độ nếu hệ thống ngân hàng muốn đạt mục tiêu đề ra 18%.
Thông tư 06/2016/TT-NHNN do NHNN mới ban hành có tác dụng hỗ trợ ngân hàng và BĐS. Hai điều chỉnh chính trong TT liên quan đến tỷ trọng rủi ro đối với tín dụng cho chủ đầu tư BĐS từ 150% đến 200% thay vì 250% theo đề xuất trong dự thảo điều chỉnh trước đây và tỷ lệ ROOM trần từ 60% hiện nay xuống 50% ngày 01/01/2017, và 40% từ ngày 01/01/2018, thay vì điều chỉnh lập tức thành 40% như trong dự thảo thông tư. Vì vậy, cổ phiếu hai ngành này tăng giá mạnh trong tháng, cụ thể là các mã ngân hàng như EIB (+23%), CTG (+7%), STB (+7%), BID (+4%), MBB (+3%), và VCB (+2%); và các mã BĐS như DXG (+1%) và KDH (+1%). Giá cổ phiếu VIC không đổi.
Biên bản cuộc họp Fed ngày càng cho thấy khả năng tăng lãi suất trong tháng sáu. Ngân hàng Trung ương Mỹ trong biên bản gần đây nhất cho biết Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng sáu nếu tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi. Tuy nhà đầu tư trong nước không tỏ ra phản ứng mạnh trước tin tức trên, tác động của động thái này sẽ ra sao trong tháng sau tùy thuộc vào phản ứng của tiền tệ trong khu vực và dòng vốn ngoại.