Lợi
suất trúng thầu tăng nhẹ (chưa đến 10 điểm cơ bản) do giá trị đặt thầu
tại các phiên đấu thầu gần đây giảm từ mức cao trong tháng trước. Các
ngân hàng đang kỳ vọng mức lợi suất cao hơn khi lãi suất huy động đã
đồng loạt tăng (10-30 điểm cơ bản) trong tháng ba với mục đích huy động
vốn.
Thanh
khoản trên thị trường thứ cấp cũng giảm khi tăng trưởng tín dụng bắt
đầu tăng tốc (ước đạt 1,54% trong Quý 1/2016 so với mức 1,25% cùng kỳ
năm ngoái), khiến lợi suất của hầu hết các kỳ hạn đều tăng.
Chúng
tôi cho rằng trong các tuần tới, lợi suất sẽ tăng nhẹ trên cả thị
trường thứ cấp lẫn sơ cấp, vì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng sẽ
tiếp tục được tập trung vào tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, lạm phát
tiếp tục xu hướng tăng cũng gây áp lực lên kỳ vọng lợi suất.
Ðể biết thêm thông tin chi tiết vui lòng Download bản PDF tại đây (sử dụng địa chỉ email KH đã đăng ký khi mở TK tại VCSC làm username và password)
Thị trường sơ cấp – Giá trị trái phiếu phát hành giảm từ mức cao, khiến lợi suất trúng thầu tăng nhẹ.
Trong 4 tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã bán được 33.000 tỷ đồng trái
phiếu, giảm 15% so với trước đó một tháng, trong khi tỷ lệ đặt thầu giảm
nhẹ từ 2,5 lần xuống 1,8 lần. Tuy nhiên, nhu cầu trái phiếu Chính phủ
nhìn chung vẫn mạnh trong gần như toàn bộ Quý 1, giúp Kho bạc Nhà nước
đạt 97% mục tiêu Quý 1, tương đương 33% mục tiêu cả năm, và giảm bớt áp
lực đối lên cung trái phiếu Chính phủ trong Quý 2.
Thị trường thứ cấp – Lợi suất tăng như dự báo sau khi đạt mức thấp nhất trong vòng 8.5 tháng vào cuối tháng hai.
Khối lượng giao dịch hàng tuần trong tháng vừa qua cũng giảm 23% sau
khi đạt mức cao một tháng trước đó do tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng
tốc. Khối ngoại tiếp tục mua ròng nhưng giá trị mua giảm xuống 1.400 tỷ
đồng, so với mức cao 3.600 tỷ đồng trước đó một tháng.
Thị trường tiền tệ - NHNN bơm ròng trong nửa đầu tháng tư.
Tuy không quá căng thẳng nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng bắt
đầu thắt chặt trở lại trong tháng tư và lãi suất qua đêm trên thị trường
liên ngân hàng tăng mạnh 150 điểm cơ bản trong khoảng thời gian này. Vì
vậy, từ đầu tháng tư đến nay NHNN đã bơm ròng 15.600 tỷ đồng, sau khi
rút ròng 41.800 tỷ đồng trong hai tuần cuối tháng ba. Đáng chú ý, NHNN
vẫn chưa bán tín phiếu trở lại.
Thị trường ngoại hối – Tỷ giá tiếp tục ổn định vì thặng dư thương mại và FDI giúp nguồn cung USD dồi dào.
Thặng dư thương mại trong Quý 1 đạt gần 1,4 tỷ USD trong khi giải ngân
FDI lên đến tổng cộng 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vì vậy, tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng liên ổn định quanh
mức 22.300VND/USD trong tháng ba và tính từ đầu năm đến nay, tiền đồng
Việt Nam đã mạnh lên 0,9%. Đồng thời, tỷ giá trung tâm công bố bởi NHNN
cũng giảm tổng cộng 0.2% trong giai đoạn này.
CDS 5 năm của Việt Nam giảm nhẹ 9 điểm cơ bản trong một tháng qua sau khi giảm mạnh từ giữa tháng hai đến giữa tháng ba.
CDS của Việt Nam diễn biến tương tự như của Thái Lan, Indonesia, và
Philippines, cho thấy nhà đầu tư quốc tế tiếp tục cho rằng rủi ro đối
với các thị trường mới nổi giảm đi. Điều này có thể là kết quả của việc
Fed gần đây giảm số đợt tăng lãi suất trong năm nay.
Lạm phát dự kiến tăng trong tháng tư.
CPI tháng ba tăng 0,57% so với tháng trước và 1,69% so với cùng kỳ năm
ngoái, không gây ngạc nhiên do việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo
quy định. Chúng tôi dự báo giá cả tháng tư tiếp tục tăng dù không mạnh
như tháng ba, do giá dầu và một số hàng hóa cơ bản khác trong thời gian
qua đã tăng đáng kể.