Social Icons

.

[VCSC] Vietnam Today - VN-Index chạm mốc cao nhất trong 5 tháng, vượt ngưỡng kháng cự 580 - DXG, MWG, PGS, PNJ, VCB, VIC, VNM

* VN-Index chạm mốc cao nhất trong 5 tháng, vượt ngưỡng kháng cự 580
* DXG: Kết quả lợi nhuận quý 1/2016 kém tích cực
* MWG: Tiếp tục đạt kết quả ấn tượng trong Quý 1 nhờ tích cực mở rộng mạng lưới bán lẻ. Giữ nguyên KN MUA
* PGS: Lợi nhuận Quý 1/2016 tăng mạnh nhờ bán cổ phần tại CNG
* PNJ: Lĩnh vực bán lẻ cốt lõi đạt kết quả đầy ấn tượng, hỗ trợ KQLN Quý 1/2016 dù có khoản dự phòng cuối cùng cho khoản đầu tư vào NH Đông Á
* VCB: KQKD quý 1 đánh dấu khởi đầu cho một giai đoạn tích cực
* VIC: Ghi nhận từ ĐHCĐ – Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ doanh số BĐS cao
* VNM: Tăng trưởng sản lượng đầy ấn tượng, KQLN Q1/2016 phù hợp với dự báo của chúng tôi


Ðể biết thêm thông tin chi tiết vui lòng Download bản PDF tại đây


VN Index
HN Index
   Điểm
592,5
80,9
   %
2,9
1,6
   % YTD
2,3
1,2
   % YOY
5,3
-2,4

Mã tăng (trần)
150 (19)
133 (20)
Mã giảm (sàn)
75 (12)
91 (18)
Không đổi
87
171

Tổng GTGD, tr USD
123,7
28,3
Mua của KN, tr USD
38,2
0,6
Bán của KN, tr USD
25,7
0,3

GT vốn hóa, tỷ USD
51,77
6,95
P/E trượt 12 tháng
12,71
10,47


--------------------

VN-Index chạm mốc cao nhất trong 5 tháng, vượt ngưỡng kháng cự 580

* Chỉ số VNI đã vượt xa ngưỡng kháng cự 580 điểm trong phiên hôm nay, khi tăng mạnh 16,75 điểm, tương ứng với 2,9% đạt 592,48 điểm, mức cao nhất trong 5 tháng. Đây cũng là phiên có mức điểm tăng trong phiên cao nhất kể từ ngày 25/01/2016 và giúp chỉ số có mức tăng 6,6% trong 3 tuần gần nhất. Mức tăng điểm hôm nay đã giúp VNI có diễn biến dương trong năm 2016, khi tăng 2,3% tính từ đầu năm.

* VCB (+6,5%), mã đạt mức tăng trong phiên cao nhất trong vòng 2 năm qua đã chạm mức giá cao nhất kể từ tháng 11/2015 khi công bố KQKD quý 1 ấn tượng (vui lòng xem thêm chi tiết bên dưới), kích hoạt làn sóng tăng điểm trong ngành ngân hàng. BID (+6,9%) có mức tăng trong phiên lớn nhất kể từ thời điểm niêm yết tháng 1/2014. CTG (+5,0%), BVH (+4,7%), MBB (+2,1%) và ACV (+2,8%) đều tăng điểm trong sóng tăng của các mã tài chính.

* Ngân hàng không phải là ngành duy nhất hưởng lợi từ tâm lý tích cực của NĐT. VIC (+5,8%) chạm mức giá kỷ lục mới nhờ kết quả lợi nhuận tích cực (xem thêm chi tiết bên dưới), trong khi GAS (+4,0%) và VNM (+2,2%) cũng hỗ trợ thị trường. Tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn tăng mạnh 36% đạt 152 triệu USD, trong khi khối ngoại mua ròng với tổng giá trị 12,8 triệu USD.
--------------------

DXG: Kết quả lợi nhuận quý 1/2016 kém tích cực

* Trong quý 1/2016, DXG ghi nhận 315 tỷ đồng doanh thu (+84% so với cùng kỳ), và 29 tỷ đồng LNST trừ lợi ích CĐTS (-20%). Doanh thu tăng trưởng mạnh nhờ vào việc ghi nhận dự án Sunview Town, giúp bù đắp cho mức giảm 44% của doanh thu mảng môi giới. Do doanh thu môi giới có biên LN cao, việc khoản mục này giảm mạnh đã khiến lợi nhu¡n ròng quý 1 kém tích cực.

* Doanh thu môi giới sụt giảm do mảng bán sỉ bị quản lý chặt hơn, các giao dịch thị trường nhìn chung ổn định, và một số căn hộ đã bán nhưng chỉ đươc ghi nhận trong quý 2. Đối với mảng này, công ty vẫn hướng đến việc đạt được con số tuyệt đối tương tự năm 2015, trong khi chúng tôi dự báo sẽ giảm 10%.

* Trong mảng phát triển bất động sản, DXG lên kế hoạch bán 2.500-3.000 căn hộ năm 2016, cao hơn nhiều so với dự báo của chúng tôi là 1.600 căn hộ. Mặc dù vậy, triển vọng bán hàng tích cực từ dự án mới, Opal Riverside, có thể giúp công ty hoàn thành kế hoạch này. DXG mở bán dự án này trong tháng 4/2016, và đã nhận đặt cọc 50% trong tổng số 600 căn hộ, vượt mức dự báo cả năm của chúng tôi tại dự án này.

* Liên quan đến vấn đề phát hành quyền mua cổ phiếu, công ty đang chờ đợi sự phê duyệt của UBCKNN và dự kiến hoàn tất thủ tục vào tháng 6.

* Trong khi chúng tôi cho rằng mảng môi giới của DXG sẽ có những khó khăn trong năm 2016, sự ảnh hưởng đến giá trị cơ bản của DXG là không quá đáng kể do mảng phát triển BĐS hiện là động lực thúc đẩy chính cho KQKD của DXG. Cổ phiếu DXG là khoản đầu tư dài hạn hấp dẫn trong phân khúc nhà ở trung bình tại Việt Nam, có khả năng tăng trưởng ổn định; chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA cho DXG với giá mục tiêu 23.200 đồng/cổ phiếu.

--------------------

MWG: Tiếp tục đạt kết quả ấn tượng trong Quý 1 nhờ tích cực mở rộng mạng lưới bán lẻ. Giữ nguyên KN MUA

* CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố KQLN sơ bộ Quý 1/2016, trong đó doanh thu đạt 9.617 tỷ đồng, và LNST đạt 418 tỷ đồng, tăng lần lượt 75% và 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả đầy tích cực này là nhờ công ty đã tích cực mở rộng mạng lưới bán lẻ, với 82 cửa hàng Thế Giới Di Động và 22 siêu thị Điện Máy Xanh được mở chỉ trong Quý 1/2016. Tính đến cuối Quý 1/2016, MWG có tổng cộng 646 cửa hàng Thế Giới Di Động và 91 siêu thị Điện Máy Xanh.

* KQLN Quý 1/2016 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, mặc dù đạt 25,9% và 27,5% dự báo vì Quý 1 thường là mùa cao điểm do Tết Âm lịch cũng như các nhà sản xuất từ Nhật Bản thường đẩy mạnh bán hàng vào cuối năm tài chính kết thúc vào tháng ba.

* Chúng tôi giữ nguyên dự báo LNST 2016 tại mức 1.520 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2015, với giả định MWG đến cuối năm 2016 sẽ có 680 cửa hàng Thế Giới Di Động và 120 siêu thị Điện Máy Xanh, phù hợp với mục tiêu ban lãnh đạo đề ra. Trong khi đó, chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho MWG với giá mục tiêu 107.000VND (tổng mức sinh lời 47%, bao gồm lợi suất cổ tức 2%). Tại giá đóng cửa phiên hôm nay, MWG đang giao dịch tại mức PER 2016 hấp dẫn là 7,1 lần trên cơ sở dự báo của chúng tôi.
--------------------

PGS: Lợi nhuận Quý 1/2016 tăng mạnh nhờ bán cổ phần tại CNG

* CTCP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam (PGS) vừa công bố KQLN Quý 1/2016, theo đó LNST tăng mạnh trên bốn lần so với Quý cùng kỳ năm ngoái lên 191 tỷ đồng dù doanh thu giảm 14% xuống 1.229 tỷ đồng.

* Lĩnh vực cốt lõi đạt kết quả khá kém vì biên lợi nhuận gộp giảm khoảng 50 điểm cơ bản xuống 17,5%, khiến lợi nhuận gộp giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST tăng trưởng mạnh nhờ khoản thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng 55,2% cổ phần tại CNG Vietnam (công ty con chuyên phân phối khí nén tự nhiên), trị giá 271 tỷ đồng. PGS bán lại cổ phần tại CNG cho GAS chủ yếu do quy định của nhà nước nhằm hạn chế sở hữu nhiều tầng lớp tại các công ty quốc doanh (xin lưu ý rằng GAS sở hữu 35% cổ phần tại PGS).

* Sang năm 2016, PGS đề ra mục tiêu doanh thu đạt 5.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 412 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và tăng 82,3% so với năm 2015, với giả định giá dầu trung bình năm 2016 đạt 60USD/thùng. Vì vậy, lợi nhuận trước thuế Quý 1/2016 đã hoàn tất 62% mục tiêu ban lãnh đạo đề ra. PGS cũng dự kiến trả cổ tức tại mức 3.000VND/cổ phiếu, lợi suất cổ tức 15%.

* PGS hiện đang giao dịch tại mức PER chuẩn hóa cho năm 2016 là 9,7 lần, trên cơ sở mục tiêu công ty đề ra năm 2016.
--------------------

PNJ: Lĩnh vực bán lẻ cốt lõi đạt kết quả đầy ấn tượng, hỗ trợ KQLN Quý 1/2016 dù có khoản dự phòng cuối cùng cho khoản đầu tư vào NH Đông Á

* CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) báo cáo doanh thu thuần Quý 1/2016 đạt 2.330 tỷ đồng và LNST đạt 124 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các kết quả này tương đương 26,5% và 34,3% kế hoạch cả năm, củng cố quan điểm của chúng tôi về kế hoạch quá thận trọng và cho rằng công ty hoàn toàn có thể vượt mục tiêu.

* Trong Quý 1/2016, doanh thu từ lĩnh vực bán lẻ trang sức, vốn có biên lợi nhuận cao, tăng mạnh 24% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ có đóng góp của 48 cửa hàng được mở trong năm 2015, trong đó chỉ có 6 cửa hàng được mở trong Quý 1/2015. Trong Quý 1/2016, PNJ cũng mở thêm 6 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 200. Trong khi đó, doanh thu vàng miếng, vốn có biên lợi nhuận thấp, tiếp tục sụt giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với chiến lược dài hạn của PNJ. Vì vậy, biên lợi nhuận gộp Quý 1/2016 tăng mạnh 429 điểm cơ bản lên 18,1%. Theo đó, lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh 43%, đạt 32,5% mục tiêu cả năm.

* Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ròng chỉ ở mức một chữ số do PNJ ghi nhận khoản dự phòng cuối cùng cho khoản đầu tư vào ngân hàng Đông Á. Nếu không tính chi phí dự phòng nói trên (85 tỷ đồng), chúng tôi ước tính LNST Quý 1/2016 đã tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Thị trường đã phản ứng tích cực trước kết quả này, khi giá cổ phiếu PNJ tăng trần ngày hôm nay. PNJ hiện đang giao dịch tại mức PER 2016 là 15 lần trên cơ sở kế hoạch kinh doanh của ban lãnh đạo. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kế hoạch này là rất thận trọng so với tình hình hoạt động thực tế của PNJ và bao gồm các chi phí dự phòng cho các khoản đầu tư không cốt lõi như Ngân hàng Đông Á và Địa ốc Đông Á.
--------------------

VCB: KQKD quý 1 đánh dấu khởi đầu cho một giai đoạn tích cực

* Báo cáo tài chính quý 1/2016 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã được công bố với KQKD ấn tượng. VCB ghi nhận 2,3 nghìn tỷ đồng (103 triệu USD) LNTT và LNST 1,8 nghìn tỷ đồng (82 triệu USD), tương ứng với tăng trưởng lần lượt 58% và 62%. Trong quý 1/2016, VCB đã hoàn thành 31% kế hoạch LNTT và 25% dự báo của chúng tôi. Tăng trưởng khoản vay khách hàng là 6,3%, cao hơn nhiều so với 2,3% của cùng kỳ năm ngoái.  Tuy nhiên, tăng trưởng huy động chỉ đạt 2,7%, thấp hơn con số 3,3% trong quý 1/2015

* Lợi nhuận tăng mạnh xuất phát từ tỷ lệ NIM cao hơn và chi phí dự phòng thấp hơn

  NIM quý 1/2016 tăng đạt 2,7% (dự phóng cho cả năm) từ mức 2,5% của cả năm 2015. Theo đúng quan điểm của chúng tôi về việc lãi suất gia tăng năm 2016, lợi suất đã gia tăng, nhưng VCB vẫn duy trì được mức chi phí vốn. Lợi suất cao hơn chủ yếu đến từ mức tăng lãi suất trong thị trường liên ngân hàng, trong khi lợi suất cho vay chỉ tăng nhẹ. Chi phí vốn không thay đổi do tỷ trọng vốn giá rẻ đã gia tăng. Ngoài ra, tăng trưởng khoản vay cao hơn nhiều so với tăng trưởng huy động là một động lực thúc đẩy khác của NIM.

* Trong quý 1/2016, VCB tiếp tục duy trì quản lý tài sản chặt chẽ với mức nợ xấu 1,8%, bằng cùng kỳ năm ngoái. Con số này dựa trên phân loại khoản vay sử dụng phương thức định tính, trong khi nợ quá hạn quá trên 3 tháng là 1,67% của tổng khoản cho vay. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy mức tăng nhẹ của nợ nhóm 4. Ngoài ra, tăng trưởng huy động hiện tại đang thấp hơn kế hoạch, do đó nếu VCB muốn đạt kế hoạch huy động, ngân hàng này phải đẩy mạnh huy động trong các quý tiếp theo. Một diễn biến thường thấy là mức tăng trưởng thường thâp trong quý 1 và tăng tốc vào thời điểm gần cuối năm, nhưng đối với VCB, KQKD quý 1 là rất tích cực, và chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ cho cả năm.
--------------------

VIC: Ghi nhận từ ĐHCĐ – Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ doanh số BĐS cao

* VIC đặt kế hoạch doanh thu 45 nghìn tỷ đồng (+32% so với năm 2015) và LNST là 3 nghìn tỷ đồng (+100% so với năm 2015), bằng với số liệu mà ban lãnh đạo đã chia sẻ trong buổi gặp gỡ NĐT gần đây. Chúng tôi cho rằng VIC sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu dựa trên tiến độ bàn giao BĐS, nhưng chúng tôi đánh giá thận trọng hơn cho kế hoạch lợi nhuận do VIC dự định tăng việc mở rộng mảng bán lẻ hàng tiêu dùng vốn đang ghi nhận mức lỗ lớn. Chúng tôi dự báo LNST của VIC ở mức 2.400 tỷ đồng năm 2016, tăng trưởng mạnh 60%. Lưu ý rằng năm 2015 VIC đặt kế hoạch 3 nghìn tỷ đồng LNST nhưng chỉ hoàn thành 50% do mảng bán lẻ hàng tiêu dùng lỗ 1.600 tỷ đồng.

* Trong quý 1/2016, LNST chưa hợp nhất ước đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 37% số liệu cả năm 2015. Mặc dù thông tin chi tiết chưa được công bố, kết quả này đánh dấu khởi đầu ấn tượng cho giai đoạn LN tăng trưởng lợi nhuận tốt.

* VIC sẽ chi trả cố tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, tương ứng với việc phát hành thêm 213 triệu cổ phiếu trong quý 2/2016.

* Chúng tôi cho rằng VIC đang bước vào giai đoạn chuyển giao, do BĐS đang ổn định và mảng bán lẻ đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực cạnh tranh gay gắt và quá trình triển khai kém ấn tượng tính đến thời điểm hiện tại. Đây sẽ cản trở cho việc tăng giá cổ phiếu trong trung hạn, trong khi triển vọng lợi nhuận tích cực vẫn là yếu tố tích cực cho giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG với giá mục tiêu 54.500 đồng. Theo giá đóng cửa 54.500 đồng hôm nay, cổ phiếu VIC đang giao dịch với P/E năm 2015 là 83 lần và P/B là 4,6 lần.
-------------------

VNM: Tăng trưởng sản lượng đầy ấn tượng, KQLN Q1/2016 phù hợp với dự báo của chúng tôi

* CTCP Sữa Việt Nam (VNM) vừa công bố KQLN sơ bộ Quý 1/2016, theo đó tổng doanh thu đạt 10.369 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.626 tỷ đồng, tăng lần lượt 18,2% và 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả đầy tích cực này nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi khi hoàn tất lần lượt 22,9% và 22,4% dự báo cả năm do chúng tôi đưa ra.

* Mức tăng trưởng doanh thu 18% là đầy ấn tượng vì theo công ty, đây hoàn toàn là nhờ tăng trưởng sản lượng. Chúng tôi đang liên hệ công ty để có thêm thông tin về cơ cấu doanh thu theo thị trường trong nước và xuất khẩu để có thể hiểu rõ hơn yếu tố đã giúp sản lượng tăng trưởng mạnh trong Quý 1/2016.

* Trong khi đó, lợi nhuận tăng mạnh hơn doanh thu nhờ biên lợi nhuận gộp Quý 1/2016 tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi lưu ý rằng biên lợi nhuận gộp Quý 1/2015 ở mức thấp vì lợi ích từ chi phí đầu vào thấp hơn đến Quý 2/2015 mới bắt đầu được phản ánh vào bảng KQLN. Vì vậy, chúng tôi cho rằng tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ trong các quý tới sẽ thấp hơn so với Quý 1/2016. Vì vậy, chúng tôi giữ nguyên dự báo LNST cả năm là 9.715 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2015.

* Chúng tôi hiện đưa ra giá mục tiêu 145.000VND dành cho VNM (tổng mức sinh lời 7,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,5%) và sẽ đưa ra báo cáo cập nhật sau khi công ty công bố báo cáo tài chính Quý 1. Tại mức giá hiện tại, VNM đang giao dịch tại mức PER 2016 là 19,2 lần trên cơ sở dự báo của chúng tôi.

--------------------
 
Liên hệ nhân viên tư vấn